Là ngôi chùa thứ hai tọa lạc trên lộ trình hành hương về Yên Tử. Chùa tọa lạc ở thế đất tựa đầu Rùa. Tương truyền: Sau khi vượt dốc Cửa Ngăn vào Yên Tử, Thượng hoàng Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái đi ngang qua đây thấy hoa rừng muôn sắc tỏa hương, tiếng chim rừng lảnh lót, tiếng suối reo réo rắt đã xuống tắm ở suối này. Dòng suối xanh trong cuốn sạch bụi đường trường ra sông biển. Kể từ độ ấy suối được đặt tên: Suối Vua Ngự Tắm, gọi tắt là Suối Tắm.
Xưa kia, chùa là ngôi miếu nhỏ thờ Thánh Hoàng Nguyệt Nga . Bà được sắc phong là “Phúc Đẳng Thần” trấn giữ cửa rừng – nơi ngăn cách giữa trần gian và cảnh Phật. Trong bài ca Du xuân Yên Tử của tác giả khuyết danh được viết dưới triều vua Khải Định (1916-1925) Nhà Nguyễn có nhắc tới miếu này:
“Nhác trông thấy miếu con con
Bước xuống Suối Tắm đâu còn trần ai”
Đầu thế kỷ XX, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi mở lò khai thác than ở khu vực núi này. Để tạ thần núi, ông cùng vợ cho dựng một ngôi miếu mái cuốn vòm tường đá với quy mô lớn hơn. Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Cầm Thực bị người Pháp phá hủy. Chuông, tượng và đồ thờ ở chùa Cầm Thực được nhân dân trong vùng chuyển xuống miếu này. Từ đó, miếu thờ tượng Phật trở thành chùa.
Dòng suối và ngôi chùa mang tên Suối Tắm mang hàm ý gột sạch bụi trần cho thân thanh tịnh trước khi vào Cõi Phật. Chùa Suối Tắm xưa vẫn được bảo tồn và lưu giữ các pho tượng, pháp khí và đồ thờ cổ có giá trị lịch sử. Năm 2009, bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn công đức của nhân dân, bên cạnh ngôi chùa cũ, một ngôi Chính Điện và một Nhà Tổ mới đã được xây dựng với quy mô khang trang.
Tượng thờ trong Chính Điện và Nhà Tổ được bài trí theo cách thức thờ tự ở chùa Bí Thượng:
Chính điện:
- Hàng tượng trên cùng là Tam thế Phật
- Hàng tượng thứ 2: Di Đà tam tôn
- Hàng tượng thứ 3: Nhất Phật nhị tôn giả
- Hàng tượng thứ 4: Quan Âm Chuẩn Đề
- Hàng tượng thứ 5: Tòa Cửu Long
Tiền đường của Chính Điện:– Bên phải là ban thờ Đức Chúa Ông (hoặc Đức Ông) . Bên trái là ban Đức Thánh Hiền (Thánh Tăng) .
- Hai bên là tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và tượng Hộ pháp Trừng Ác
- Trước ban thờ Đức Thánh Hiền là tượng Địa Tạng Vương Bồ-tát .
Nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm và thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt. Từ trên cổng tam quan của chùa nhìn xuống, chùa Suối Tắm thấp thoáng dưới vòm cây đại thụ. Phía trước chùa là dòng suối Tắm. Các ngôi chùa khác ở Yên Tử, muốn lên trên đó phải trèo từng bậc để đi lên, riêng chùa Suối Tắm lại phải đi xuống vài mươi bậc đá. Cây đa bên dòng suối trước chùa có 5 chạc như bàn tay Đức Phật xòe che chở.