Hướng dẫn viên chào đón quý khách; tóm tắt lịch trình của đoàn và hướng dẫn các thông tin cần thiết.
Địa điểm: Cổng Khai Tâm (Lễ tân điểm đến) / Lễ tân Làng Nương / Lễ tân Legacy Yên Tử – MGallery
Nằm dọc theo dòng suối Giải Oan hoang sơ như một miền cổ tích, Làng Nương gợi lại ký ức về ngôi làng cùng tên từng hiện diện ở chốn Lâm Tuyền (Suối ven rừng) tại chân núi Yên Tử từ thế kỷ thứ 13 với huyền thoại mang đậm chất sử thi về các cung nữ thời Trần. Họ đã theo chân Thượng hoàng khi Ngài về Yên Tử vào mua thu năm 1299, chia tay Ngài và ở lại Làng Nương khi không thể theo Ngài lên núi trên bước đường tu hành. Làng Nương ngày nay mang dáng dấp của một ngôi làng Bắc Bộ với đầy đủ chức năng về lưu trú, về ẩm thực và các trải nghiệm văn hóa cộng đồng như “Đêm hội làng”, các sản phẩm và trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống.
Tuyến Cáp treo Hoàng Long mang thương hiệu POMA (Pháp), đạt Tiêu chuẩn An toàn Hàng không Châu Âu. Đặc biệt, cabin sở hữu tầm nhìn 360 độ sẽ mang đến cho du khách chuyến lãng du đầy cảm hứng, lướt đi trên thảm thực vật tầng tầng lớp lớp, bốn mùa hoa lá tươi xanh của núi rừng Yên Tử.
Vườn Tháp Huệ Quang là nơi tụ vượng linh khí của long mạch Yên Tử. Vườn tháp thờ các thiền sư từng tu hành tại Yên Tử qua các thời Trần, Lê, Nguyễn. Trung tâm là Huệ Quang Kim Tháp (còn gọi là Tháp Tổ), do vua Anh Tông cho xây vào năm 1309 để thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tháp còn nguyên gốc đế tháp thời Trần, thân tháp được phục dựng thời Lê, có tôn tượng của Ngài là bảo vật quốc gia và tôn trí một phần xá lợi của Ngài trong lòng tháp.
Tọa lạc ở độ cao 535m so với mực nước biển, chùa Hoa Yên là ngôi chùa cổ có nên đại từ thời Lý có vai trò trung tâm, quan trọng nhất của quần thể chùa, tháp của Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử. Đây là nơi tu hành, thành đạo, giảng đạo và truyền thừa của các Tổ của dòng Thiền Yên Tử qua các thế hệ bắt đầu từ đệ nhất Tổ – thiền sư Hiện Quang đời Lý. Phật hoàng Trần Nhân Tông là Tổ thứ sáu theo truyền thống này, sáng lập và trở thành đệ nhất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ban đầu chùa vốn có tên là chùa Vân Yên, sau vua Lê Thánh Tông thấy cảnh sắc tươi tốt nơi đây nên đã đổi tên chùa thành Hoa Yên. Cùng với chùa Vân Tiêu, Am Ngọa Vân, chùa Hoa Yên hợp thành vùng lõi của thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.
Chùa xưa vốn là động Thanh Long, còn có tên là Am Ly Trần (thoát cõi trần), sau đổi thành chùa Bán Thiên, Bán Mái, rồi Một Mái. Tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông chọn am nàyđể làm nơi tọa thiền, đọc sách, soạn kinh. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất trong quần thể chùa tháp tại Yên Tử với bộ tượng pháp, bia và đồ thờ bằng đá trắng. Bát hương có từ năm 1853 khắc chữ “Phật, Pháp, Tăng – tam bảo kim cương” và câu thần chú Mật tông “Úm ma ni bát mê hồng”.
Hệ thống cáp treo Bạch Long với độ dài 900m sẽ đưa du khách đến gần hơn tới chùa Đồng nơi đỉnh thiêng Yên Tử. Ngồi trên cabin du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác bồng bềnh phiêu du trong mây ngàn hay ngắm nhìn toàn cảnh rừng Quốc gia Yên Tử.
Huyền thoại kể rằng An Kỳ Sinh là một đạo sĩ phương Bắc đã đến Yên Tử tu pháp Đạo Tiên và tìm thuốc trường sinh bất lão từ thế kỷ thứ III TCN. Ngài hái lượm cỏ cây, thảo dược, luyện đan sa, thần sa và chữa bệnh cứu người. Người xưa tôn kính gọi ông là An Tử (thầy An). Núi có Ngài ở được gọi là Núi An Tử, sau đổi thành Yên Tử. Tượng đá An Kỳ Sinh do thiên tạo, được người đời tin là Ngài đã hóa thành. Bức tượng trông giống hình đạo sỹ đứng chắp tay cung kính quay về Tây phương.
1. Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được phỏng theo nguyên mẫu tượng – bảo vật quốc gia thờ tại Huệ Quang Kim Tháp. Bảo tượng được đổ liền khối, đúc nổi trực tiếp – một nghệ thuật đúc đồng đặc sắc của Việt Nam, và khánh thành năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn nhằm bày tỏ lòng tri ân công đức to lớn của Ngài đối với Đạo pháp và dân tộc.
2. Cổng trời
Cổng Trời là một khe hẹp giữa những tảng đá lớn, xếp đặt tự nhiên mà du khách phải lách qua khi lên tới gần chùa Đồng. Đây như một cánh cửa, một ranh giới dẫn bạn vào thế giới Trời, Phật. Thật ngạc nhiên, trên núi cao lại có các vết tích của bờ biển xưa như hóa thạch vỏ sò, cây sú vẹt như một chứng tích cho quá trình kiến tạo mảng địa chất đã từng diễn ra cách đây hàng triệu năm
3. Bia Phật
Bia Phật là một phiến đá tự nhiên, bề mặt giống như hình chiếc oản dâng cúng Phật, trên đó khắc hai hãng chữ Hán gồm tám chữ là: “A-Di-Đà Phật – Tứ Tự Hồng Danh”, nghĩa là “Tên vàng bốn chữ A-Di-Đà- Phật”. Bia khắc được khắc từ lâu, đã chứng tỏ Pháp môn Tịnh độ đã có Yên Tử từ rất lâu, cùng dung hợp với thiền tông và mật tông tạo nên một cảnh giới “Tam giáo đồng nguyên” ở núi này.
Thưởng thức bữa phong vị làng quê Việt với những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng Yên Tử.
- Địa điểm: Nhà hàng Cơm Quê tại Làng Nương Yên Tử
- Hotline đặt bàn: 0936672388
Trị liệu đôi bàn chân bằng các loại thảo dược tươi của Yên Tử kết hợp với kỹ thuật ấn huyệt cổ truyền sẽ giúp du khách hồi phục và thư giãn hoàn toàn sau hành trình dài leo núi.