Được xây dựng cùng thời với các công trình ở đây, hồ được mang tên là Ngoạn Nguyệt có nghĩa ngắm trăng, vọng trăng, thưởng trăng. Cái tên “Ngoạn Nguyệt” gợi nhớ ký ức về một cây cầu và hồ Ngoạn Nguyệt xưa ở kinh thành Thăng Long thời Trần. Hình ảnh “vầng trăng” biểu trưng cho ánh sáng trí tuệ được sinh ra từ sự giác ngộ Phật Đạo. Ánh sáng đó được ví như “vầng nhật nguyệt đánh bạt hết bóng vọng tưởng, như vầng trăng dập tắt lửa tội lỗi nung đốt người đời“.
Hành trình đi tới giác ngộ không chỉ là vượt qua những thách thức, chịu đựng gian truân, khổ hạnh. Người Phật tử hoàn toàn vẫn có thể thưởng thức những cái đẹp lành mạnh của cuộc đời như ánh trăng đêm tỏa xuống mặt hồ, như chân lý muôn đời chân – thiện – mỹ. Mỗi người có thể tận hưởng từng phút giây hạnh phúc của cuộc đời mình vì như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói “Không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”.
Hồ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật sâu lắng như đêm thơ, đêm Hội Hoa Đăng nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an, siêu độ cho linh hồn những người đã khuất theo ánh sáng ấm áp của hoa đăng mà xả bỏ mọi oan khiên thù hận, cùng bước trên con đường giải thoát mọi khổ đau.
Bên hồ Ngoạn Nguyệt, quý khách có thể ngắm trăng vào những đêm trăng sáng hoặc tham gia các hoạt động trải nghiệm như lễ hội hoa đăng, chụp ảnh lưu niệm.