Đường Tùng là di sản quý, vừa là chứng tích lịch sử, vừa là biểu tượng văn hóa; thể hiện tình yêu sự sống, tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên – một giá trị cốt lõi của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Đường Tùng dài khoảng 100m – nằm trên trục đường chính hành hương lên cõi Phật – được coi là hàng cây trồng cổ nhất ở Việt Nam
Cây xích tùng được coi là loài cây đặc trưng của vùng đất Phật Yên Tử. Tại đây có một khu rừng xích tùng rộng lớn, với khoảng 233 cây xích tùng, mọc ở chùa Hoa Yên, Am Dược, thác Vàng, thác Bạc và nhiều nhất là ở Đường Tùng (khoảng hơn 40 cây). Hiện có 230 cây xích tùng còn sống, có tuổi thọ trên 700 năm tuổi, được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt bởi Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Các cây xích tùng cổ có đường kính gốc từ 0,3-1,1m; độ cao từ 4,9-24m.
Tương truyền rằng, trước đây Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng đệ tử của Ngài và các thế hệ tu hành của Thiền phái Trúc Lâm đã trồng cây xích tùng ở đây và nhiều nơi trên núi Yên Tử. Cây xích tùng ở Yên Tử biểu trưng sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của bậc quân tử.
Cảnh vắng, ở yên, lòng thong dong,
Gió lành thổi lộng giữa bóng tùng.
Giường thiền dưới gốc, kinh một cuốn,
Thanh nhàn hai chữ quá muôn đồng.
(Trích Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông; Hòa thượng Thích Nhật Quang dịch thơ).
hành trình gợi ý
Khám phá Non thiêng Yên Tử
2 ngày 1 đêm