Khởi nguồn
Theo sử sách thì Yên Tử vốn được xem là huyệt đạo linh thiêng của đất nước, một trong “Tứ Phúc địa của Giao Châu” (Việt Nam ngày nay).
Núi càng linh thiêng hơn khi có các đạo sỹ, cao tăng, thánh hiền về đây tu tập, bồi đắp thêm truyền thống, tinh thần và năng lượng chánh đạo. Theo huyền thoại, từ thế kỷ thứ III trước công nguyên, có đạo sỹ tên là An Kỳ Sinh lên núi tu tiên, luyện thuốc, chữa bệnh cứu người. Người xưa tôn kính gọi Ngài là An Tử (Thầy An) và gọi núi là An Tử Sơn, sau đổi thành Yên Tử Sơn vì kiêng tên húy An Đô Vương Trịnh Giang thời Lê.
Kinh đô Phật Giáo
từ thời Đại Việt
Yên Tử càng trở nên đặc biệt linh thiêng từ thế kỷ 13, khi đức vua anh minh Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu hành, và giác ngộ đạo Phật. Ngài sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – dòng thiền đậm đà bản sắc Việt, khẳng định nền độc lập về tư tưởng, tinh thần của Đại Việt, góp phần xây dựng một quốc gia hạnh phúc, hướng thiện. Ngài đã mở những lớp hoằng pháp cho các đệ tử đầu tiên tại chùa Hoa Yên. Các đệ tử của Ngài đã kế thừa và phát triển hệ thống tự viện, truyền dạy đạo pháp cho các thế hệ. Qua nhiều biến động lịch sử trong hơn 700 năm qua Phật giáo Trúc Lâm vẫn được các thế hệ đời sau kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Từ đó Yên Tử – Nơi được coi là “Kinh đô Phật Giáo” từ thời Đại Việt.
Là địa danh nồi tiếng suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, Non thiêng Yên Tử mang trong mình một lịch sử hào hùng, một hào khí Đông A, một tinh thần bất diệt,… Tất cả hòa quyện trong khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ.
Trung tâm văn hóa Trúc Lâm
Trên nền tảng kế thừa và phát huy các giá trị cốt lõi vốn có của núi Yên Tử (tâm linh – lịch sử, văn hóa – thiên nhiên), kiến trúc sư lừng danh người Mỹ Bill Bensley và các nghệ nhân thời nay đã tái hiện một không gian văn hóa – lịch sử cổ xưa gợi nhớ về thời Trần thế kỉ thứ 13 cũng là bản sắc riêng của Yên Tử với tên gọi Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm. Quần thể này là một vùng ‘tiếp biến văn hóa’, cầu nối giữa di sản văn hóa – lịch sử – tâm linh ở trên núi Yên Tử, gắn chặt Đạo và Đời, kết nối Xưa và Nay.
Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm mang đậm “Hồn Việt – Nét Trần – tinh thần thiền Trúc Lâm” đã mang giá trị di sản lan tỏa tới các thế hệ sau thông qua các công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm tính chất thiền như Cổng Khai Tâm, Gương Thiền, Hồ Ngoạn Nguyệt, quảng trường Minh Tâm, vườn Hoa Tâm,… cùng những trải nghiệm nghỉ dưỡng tại khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử & khu nghỉ dưỡng Làng Nương Yên Tử, trải nghiệm ẩm thực truyền thống Việt từ cung đình tới bình dân tại hệ thống nhà hàng Thọ Quang, Cơm Quê, Ven Suối, nhà sàn Tùng Lâm…