Chùa mang tên một Thiền sư thời Trần đã từng tu hành ở đây là Bảo Sái. “Bảo Sái” có nghĩa là cõi đất thanh tịnh hoặc Thất bảo nhà Phật. Ngài là đệ tử đầu tiên, thân tín của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Bảo Sái là người duy nhất được Phật Hoàng cho gọi về, ở bên và được nghe lời dạy cuối cùng của Phật Hoàng về triết lý căn bản của Nhà Phật trước khi viên tịch:
Mọi pháp đều không sinh
Mọi pháp đều không diệt
Nếu hiểu được điều đó
Thì thấy Phật trước mặt
Không đến cũng không đi.
Thiền sư Bảo Sái có công rất lớn trong việc coi sóc ấn hành Đại Tạng Kinh triều Trần.
Chùa ở độ cao 724m so với mặt biển. Thời Trần nơi đây chỉ là am trong động. Đến thời Nguyễn, chùa bị một tảng đá lớn trên vách núi rơi xuống làm bạt mái chùa, chỉ còn lại ban thờ và một bức tường hồi phía đông. Sau khi được phục dựng (1990) và trùng tu lần 1 (1995), đến năm 2012, chùa mới được trùng tu khang trang như ngày nay.
Tượng thờ trong chùa được bài trí theo cách thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam.
Chính điện
– Hàng tượng trên cùng: Tam thế Phật
– Hàng tượng thứ hai: Di Đà tam tôn
– Hàng tượng thứ 3: Tam Tổ Trúc Lâm
– Hàng tượng thứ 4: Tam Vương
– Hàng tượng thứ 5: Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn
– Bên phải Chính Điện là tượng Quan Âm Chuẩn Đề
– Bên trái Chính điện là tượng Đức Thánh Trần.
Tiền đường ngôi Chính Điện:
Bên phải thờ tượng Đức Chúa Ông, tượng Hộ pháp Khuyến Thiện; bên trái thờ tượng Đức Thánh Hiền, tượng Hộ pháp Trừng Ác.
Nhà Tổ
Thờ Tổ Bồ-đề Đạt-ma, Tam Tổ Trúc Lâm và Tổ chùa.
Phía sau chùa có một hang đá được coi là dấu tích của Ngộ Ngữ Viện xưa. Trong hang thờ tượng Điều Ngự Giác Hoàng bằng đá ở tư thế sư tử tọa lúc Ngài hiển Phật, bên cạnh là đệ tử Bảo Sái chắp tay cung kính, mô phỏng lại giờ khắc lịch sử khi Ngài nhập Niết-bàn.
Trước hang đá là cây Giổi cổ thụ có dấu tích móng vuốt Hổ cào gắn với truyền thuyết Hổ ôm cây Giổi nghe kinh Phật.
Gần đó có tượng Quán Thế Âm bồ-tát tư thế đứng, tay cầm bình nước cam lồ, một tay cầm cành dương liễu “cứu khổ, cứu nạn, phổ độ chúng sinh”.
Trước chùa có tháp Trà Tỳ. Bia tháp ghi công Tỳ kheo ni Đàm Thái chủ trì phục dựng chùa này trước năm 1919.
Rời chùa Bảo Sái, đi về phía trái khoảng 200m, quý khách sẽ đến chùa Vân Tiêu.
hành trình gợi ý
Khám phá Non thiêng Yên Tử
2 ngày 1 đêm