Cổng Khai Tâm

Cổng lớn theo kiểu tam quan (三關), có ba lối ra vào, gồm một lối lớn ở giữa và hai lối nhỏ ở hai bên. Công trình tam quan mang tên Cổng Khai Tâm. Khai Tâm (開心) có nghĩa là khai mở Tâm Đạo, là sự khởi đầu của quá trình chứng ngộ Phật Tâm đối với những ai tu tập theo Đạo Phật.

– Phía trước cổng có 2 con voi nằm phủ phục, được làm bằng đá nguyên khối, theo hình mẫu tượng voi được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Mỗi tượng voi nặng 35 tấn, là tượng voi bằng đá lớn nhất mà khả năng nghệ nhân thời nay có thể làm được. 

Hình ảnh voi thường xuất hiện trên ban thờ Phật ở các ngôi chùa Việt với tượng Bồ-tát Phổ Hiền trên voi trắng sáu ngà được thờ bên tượng Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni và tượng Bồ-tát Văn Thù. Tượng voi và phù điêu voi có mặt hầu hết ở các ngôi chùa của người Khơme ở Nam Bộ. Có những ngôi chùa nổi tiếng nhờ vào bóng dáng, tầm vóc của các chú voi. 

Voi từng rất phổ biến ở nước ta từ xa xưa cũng như trong thời Trần. Sử sách Trung Hoa xưa từng gọi Giao Chỉ là “Tượng Quận” thể hiện là một xứ có nhiều voi. Thời chiến, vua Trần Nhân Tông đã từng cưỡi voi ra trận, dẫn đầu đoàn quân đánh giặc Mông Nguyên. Thời bình, hình ảnh voi chở kinh xuất hiện trong bức tranh nổi tiếng Trúc Lâm Đại Sỹ xuất sơn đồ trong đoàn người do vua Anh Tông dẫn đầu đón Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi ngài trở về từ động Vũ Lâm (Ninh Bình ngày nay), nơi Ngài lần đầu xuất gia vào năm 1295. Hình ảnh voi xuất hiện tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm góp phần gợi lại không gian lịch sử thời Trần vì hai con voi quỳ ở đây có cả bành voi và vải phủ có họa tiết cung đình.

Kiến trúc cổng mang cảm hứng từ các tam quan truyền thống của người Việt và với thức kiến trúc từ Huệ Quang Kim Tháp với cổng vòm, tường dày lượn cao lên ở hai bên, mái ngắn, lợp bằng ngói cánh sen đã sẫm màu thời gian. Dọc theo hai bên lối đi là hàng cột gỗ lim lớn đặt trên các chân tảng hoa sen kiểu thời Trần; khung trần nhà cũng bằng gỗ được làm theo kiểu “Kẻ Bảy” – một lối kiến trúc truyền thống của chùa Việt, làng quê Việt.

Cổng tam quan khởi đầu từ ba lối, chia làm hai ngả rồi nhập vào làm một ở phía cuối công trình, thể hiện triết lý của Đạo Phật: Mọi nẻo đường tu, đều dẫn đến Giác Ngộ và Giải Thoát, trong một hành trình trở về với bản Tâm chân thực của của chính mình.

Cổng Khai Tâm là bộ mặt chính, có tính biểu tượng của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, là nơi đầu tiên quý khách đến với trung tâm Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử. Tại đây, quý khách có thể dừng chân để chuẩn bị một số điều kiện cần thiết trước khi vào các điểm dừng chân khác của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm và lên núi Yên Tử với 2 nơi phục vụ:

  • Khu Lễ tân ở bên phải theo lối vào là nơi cung cấp thông tin, hướng dẫn phục vụ lộ trình tham quan, hành hương cho quý khách. Đó cũng là nơi làm thủ tục “check in, check out” cho những khách có nhu cầu nghỉ lại ở khu Village Lodge (3 sao) tại Làng Nương Yên Tử.
  • Phòng thiền Khai Tâm ở bên trái theo lối vào là nơi tổ chức các khóa thiền hoặc các lớp đào tạo có quy mô vừa và nhỏ, các trải nghiệm thiền cho Phật tử và du khách như thiền hoa đăng, thiền thở, thiền chuông…
  • Không gian 2 bên Gương Thiền với các hàng cột gỗ lim lớn dựng trên chân tảng theo phong cách thời Trần để cho khách thưởng thức cảm giác lịch sử, vừa là không gian để tổ chức các sự kiện, hoạt động Thiền, Yoga và trưng bày các bộ sưu tập nghệ thuật… Đây cũng là không gian có thể tổ chức một số sự kiện, Phật sự buổi tối trong nhà với số lượng người không quá đông. Trong các dịp lễ hội lớn (như khai hội đầu năm) đây là nơi tập kết, khởi hành các đoàn rước kiệu, các đoàn Phật tử, quan khách và nhân dân
bg-load-more