Một không gian lộng lẫy mang màu sắc cung đình (thời Trần), trong đó nổi bật bức tranh một công nương sang trọng đặt bên những bức tranh vẽ con hổ cách điệu, gợi lên hình ảnh Hoàng hậu Khâm Từ Bảo Thánh – người đã can đảm lấy thân mình che cho Vua Trần Nhân Tông khi một con hổ dữ xổng chuồng nhảy lên gần chỗ Ngài ngồi xem trong trận đấu hổ. Thần thái của Hoàng hậu đã chế ngự được vía con hổ khiến nó không tiến lên mà quay đầu lại nhảy xuống chuồng. Từ đó Hoàng hậu được coi như biểu tượng của lòng can đảm, hàng phục được cả hổ dữ.
Những tượng hổ và tranh vẽ hổ ở đây gợi nhớ tới những con hổ được ghi chép trong lịch sử và trong giai thoại liên quan đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông cả lúc làm vua (như kể trên) và lúc tu hành ở Yên Tử. Khi ngài giảng pháp, những con hổ trên núi Yên Tử cũng trở nên hiền lãnh, ngoan ngoãn ngồi nghe. Khi Ngài viên tịch, con hổ gào thét, hai chân trước chồm lên cào xước thân cây giổi phía trước hang đá ở chùa Bảo Sái, dấu vết vẫn còn đến ngày nay, tượng hổ từ xưa còn đặt trong gườm đá.