
Thác Ngự Dội, Am Thiền Định, Thác Vàng nằm ở phía Tây chùa Hoa Yên, bên đoạn đường khoảng 400m trong cánh rừng nguyên sơ. Bên đường, hàng xích tùng hiện còn 11 cây được các Thiền sư trồng cách đây vài trăm năm bên bờ vực cheo leo, nghiêng về một phía, rễ cây trồi lên mặt đất và xuyên qua kẽ đá. Phật giáo coi trọng sinh thái, hướng con người tới việc chăm sóc và bảo vệ thế giới tự nhiên.
1. Thác Ngự Dội
Tương truyền Phật Hoàng Trần Nhân Tông thường tắm ở đây, vì thế thác có tên Ngự Dội. Thác bắt nguồn từ Suối Long Khê (Khe Rồng) dẫn nước ngầm từ lưng núi Yên Tử uốn lượn qua các thềm đứt gãy kiến tạo cách đây khoảng 10 triệu năm vượt qua địa hình dốc đứng tạo thành thác.Thác cao 18m, có nước nhiều và đẹp nhất vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
2. Am Thiền Định
Nay chỉ còn dấu tích nền am. Tương truyền là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông lập thảo am tránh nắng mưa, thú dữ và thường vào am để tọa thiền sau những lần tắm ở thác Ngự Dội hoặc ra ngoạn cảnh Rừng Mai, Thác Vàng…
Bên am là vạt rừng trúc. Có lần ngồi thiền, măng trúc chích vào bắp vế của Ngài. Trong bài Phú Vịnh chùa Vân Yên, Đệ tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang viết: “Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ / Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh“. Hai câu trên như mô tả cảnh này.
3. Thác Vàng
Suối Long Khê (Khe Rồng) ở phía Tây chùa Hoa Yên khởi nguồn từ đỉnh núi Yên Tử, chia thành hai nhánh, tạo thành Thác Vàng và thác Ngự Dội. Hai nhánh này nhập lại thành dòng sối Vàng. Suối Vàng hợp lưu với suối Bạc thành dòng suối Giải Oan.
Thác Vàng (cao 14,5m) là thác nước đẹp, hùng vĩ nhất trên suối Long Khê, cũng là thác đẹp nhất của núi rừng Yên Tử vào mùa mưa. Có ý kiến cho rằng vì nước của thác khi có ánh nắng chiếu vào phản lên như ánh hoàng kim nên thác được gọi là Thác Vàng.


