
Chùa Bí Thượng còn gọi là Chùa Trình Yên Tử, là ngôi chùa đầu tiên ở cửa ngõ Yên Tử, cũng là nơi quý khách thực hiện nghi thức “đi trình, về tạ” trong lộ trình hành hương lễ Phật, tham quan vãng cảnh tại Yên Tử.
Gọi là Chùa Bí Thượng vì chùa tọa lạc ở làng Bí Thượng, nay là khu Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tương truyền: Hơn bẩy trăm năm trước, trước khi lên núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông đã ghé lại nghỉ ngơi nơi đây. Sau khi Đức thượng hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm – Đạo phật của Việt Nam, các phật tử trong cả nước Đại Việt đổ về đây để an cư, cầu Đạo. Việc xây dựng một ngôi chùa ở cửa ngõ Yên Sơn như Chùa Bí Thượng làm trạm dừng chân cho khách giữa độ đường đã trở lên cần thiết. Ngôi chùa Bí Thượng xưa được dựng lên, tham gia vào hệ thống Chùa tháp ở Yên Sơn với tư cách Chùa Trình.
Ngôi chùa xưa bị hủy hoại do thiên tai, địch họa và được phục dựng phần hậu cung với quy mô nhỏ. Đến năm 2006, bằng nguồn đầu tư của Nhà nước và nguồn công đức của nhân dân, chùa Bí Thượng được xây dựng và mở rộng với quy mô to lớn như hiện nay.
Chùa có kiến trúc kiểu nội công, ngoại quốc:
- Có Tiền Đường, Tam bảo thờ Phật.
- Hai bên tả vu, hữu vu thờ Thập bát La Hán
- Phía sau là Nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm và thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt.
Tượng thờ trong chùa được bài trí theo cách thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam
Chính điện (nhìn từ ngoài vào):
- Hàng tượng trên cùng là Tam thế Phật
- Hàng tượng thứ 2: Di – Đà tam tôn
- Hàng tượng thứ 3: Nhất Phật nhị tôn giả
- Hàng tượng thứ 4: Quan Âm Chuẩn Đề
- Hàng tượng thứ 5: Tòa Cửu long
Tiền đường Chính Điện:
- Bên phải là ban thờ Đức Chúa Ông (hoặc Đức Ông) . Bên trái là ban Đức Thánh Hiền (Thánh Tăng) .
- Hai bên là tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và tượng Hộ pháp Trừng Ác
- Trước ban thờ Đức Thánh Hiền là tượng Địa Tạng Vương Bồ-tát .
Phía Đông của chùa là trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Quý khách lễ Phật tại Chùa Trình như bày tỏ lòng tri ân, trình báo với Phật Tổ lòng thành tâm và sự hiện diện của mình hoặc của đoàn mình trước khi hành hương vào Chốn Thiền môn Yên Tử.



